Thứ Sáu, 18 tháng 9, 2009

Cô hàng xóm

Giả vờ chọc ghẹo ngỡ là xong
Ai biết đêm về cứ nhớ mong
Tàn đêm trằn trọc không sao ngủ
Nhắm mắt tơ vương một bóng hồng...

Em chẳng hề hay có phải không?
Tôi thương em lắm ở trong lòng
Năm tao bảy lượt toan hò hẹn
Em mãi hồn nhiên chẳng bận lòng...

Rồi cũng mùa thu qua bóng song
Rơi dăm chiếc lá lượn bay vòng...
Đôi năm biệt xứ chưa về lại
Người cũ còn chăng má ửng hồng?

Hàng xóm ơi hỡi hàng xóm ơi
Thăm lại quê mình thuở trốn chơi
Mới hay hoa cũ không còn nở
Lá đỏ hiên nhà cũng bớt rơi...

Hỏi em, cô bác mới đôi lời
Năm ấy sang đò, bỏ cuộc chơi
Trách ai du tử buông lời ước
Năm bảy năm trôi chẳng ngỏ lời...

Giật mình giả bộ thế thì thôi
Trách mình mình trách trách ông trời
Ngỡ em hờ hững thời thơ dại
Ai biết mình ngây ngốc một thời...

Diễn từ của Hiệu trưởng Trường Đại học Harvard trong Lễ Tốt nghiệp năm 2009



Drew Gilpin Faust

Thưa các vị khách quý, các bạn sinh viên vừa tốt nghiệp, quý phụ huynh, cựu sinh viên, các vị đồng nghiệp và bạn bè, và Bộ trưởng Chu, xin chào mừng quý vị đã đến đây tham dự buổi lễ này.

Đã trở thành truyền thống buổi nói chuyện của hiệu trưởng nhà trường trong lễ tốt nghiệp hàng năm để nói về một năm đã qua, báo cáo về những thành tựu nhà trường đã đạt được và những hướng đi sắp tới trong việc tập hợp các cựu sinh viên và những người bạn của nhà trường. Tháng 6 năm nay tôi có cả một năm đầy những bất ngờ và những đổi thay nhiều kịch tính để mà phản ánh.



Đáng lẽ tôi cần nhận thức rõ về những gì khác thường đã diễn ra trong đêm đầu tiên chào mừng các em sinh viên năm thứ nhất đặt chân vào Đại học Harvard tháng 9 năm qua, với sân trường được tắt đèn hoàn toàn. Lúc đó, trong nhiều tuần lễ, các thị trường tài chính rối loạn, các công ty uy tín bắt đầu sụp đổ, và chúng ta đã chứng kiến hàng ngàn tỷ đô la biến mất trên toàn cầu. Chín tháng sau, chúng ta sống trong một thế giới mới- một thế giới với những cơ chế, tiền đề và giá trị, cũng như các nguồn lực, đang thay đổi. Ít ai mong đợi sự quay lại nhanh chóng của thế giới mà chúng ta đã quen xem như tất yếu phải thế chỉ mới cách đây một năm mà thôi.



Hôm nay chúng ta làm lễ tốt nghiệp cho những sinh viên mà theo tờ The New York Times, là những người phải đương đầu với một thị trường lao động khó khăn nhất trong nhiều thập kỷ. Chúng ta cấp bằng cho sinh viên bước vào những ngành nghề đang phải tìm kiếm những “cánh đồng” mới khi đối mặt với những quy định, điều kiện lương bổng và những mục tiêu công đã thay đổi. Và chúng ta thấy vai trò và nguồn lực của các trường đại học cũng đang thay đổi trong môi trường khủng hoảng toàn cầu. Rõ ràng là chưa bao giờ chúng ta được xã hội cần đến như hiện nay. Chúng ta đã thấy Harvard trở thành gần như một cơ quan tuyển dụng cho chính phủ mới ở Washington. Khi Nhà Trắng tìm kiếm giải pháp cứu vãn nền kinh tế suy sụp, hay giải pháp cho tình trạng thay đổi khí hậu, thực hiện chăm sóc sức khỏe cộng đồng, cải cách các quy định hay giáo dục phổ thông, họ đều kêu gọi đến sự phục vụ của đội ngũ cán bộ giảng viên của chúng ta, nhiều đến nỗi Thượng nghị sĩ Susan Collins ở Maine trong một buổi thu thập ý kiến về việc đề bạt nhân sự cấp cao, đã phải hỏi liệu có còn sót lại một giảng viên nào cho trường luật ở Cambridge hay không. Cũng không chỉ các giảng viên, mà rất nhiều cựu sinh viên của chúng ta đã được rút về làm việc ở những vị trí trong nội các và tất nhiên cả Phòng Bầu dục của Nhà Trắng.



Tri thức- và những con người có tri thức- là nhân tố cốt yếu để vượt qua những thử thách mà chúng ta đang phải đương đầu. Đó chính là điều mà chúng ta đang làm với tư cách là một trường đại học. Đó chính là điều cho thấy chúng ta là ai. Chúng ta tạo ra tri thức, và chúng ta gieo rắc nó khi giảng dạy sinh viên và chia sẻ kết quả nghiên cứu của mình. Tổng thống mới của chúng ta đã tuyên bố rằng Hoa Kỳ cần phải “hỗ trợ các trường đại học nhằm đáp ứng đòi hỏi của thời đại mới”, và phải “trả khoa học về đúng chỗ chính đáng cuả nó”, nghĩa là dẫn đầu thế giới trong việc nghiên cứu và khám phá. Bộ trưởng Bộ Năng lượng, diễn giả Steven Chu hôm nay, đã nhấn mạnh thêm thông điệp này, khẳng định rằng “sự thịnh vượng của quốc gia chúng ta trong những năm sắp đến tùy thuộc vào khả năng của chúng ta trong việc nuôi dưỡng nguồn vốn trí thức”.



Nhưng ngay cả khi chúng ta tái xác nhận một lần nữa tầm quan trọng của các trường đại học và những việc họ làm, chúng ta đã bắt đầu thấy rằng cần phải làm công việc ấy một cách khác đi so với trước. Ở Trường Đại học Harvard, cũng như những trường bạn, chúng ta đang phải đương đầu với những bối cảnh đã thay đổi và đòi hỏi phải có những chiến lược được thay đổi cho phù hợp. Với tư cách một cộng đồng đại học chúng ta đã dành rất nhiều thời gian trong những năm qua để tập trung vào những thực tiễn mới đầy khó khăn ấy— bắt đầu quyết định xem cái gì chúng ta có thể và buộc phải sống mà không có nó. Về tất cả những việc ấy, chúng ta vẫn còn đang ở những bước đi ban đầu trong việc xác định tương lai của Harvard và bởi vì các trường khác cũng đang làm như thế, chúng ta đang xác định tương lai của giáo dục đại học. Nhưng đến cuối năm học với bao nhiêu thay đổi và điều chỉnh này, chúng ta phải tập trung không phải vào những gì chúng ta đã mất, mà là những gì chúng ta đang có. Đây là lúc nghĩ về chính bản thân chúng ta không hẳn chỉ như đối tượng của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu đang vượt quá tầm kiểm soát, mà là người kế thừa một ngôi trường bốn trăm năm tuổi, một ngôi trường đã định nghĩa thế nào là sự ưu tú trong khoa học cho cả thế giới. Trong lễ nhậm chức hiệu trưởng cách đây một năm rưỡi, tôi đã nói về trách nhiệm ấy- những gì chúng ta còn nợ các giáo sư, các nhà khoa học và sinh viên, những gì chúng ta với tư cách một trường đại học còn nợ thế giới này. Trách nhiệm này giờ đây càng thêm nặng nề bởi thời đại mà chúng ta đang phải đối mặt. Chúng ta không thể đơn giản chỉ phục vụ như những người quản lý hay trông nom truyền thống và những đặc điểm đáng tự hào của Harvard. Chúng ta phải xây dựng và định hình những mục đích của trường đại học cho một tương lai đã đổi thay.



Sử gia lỗi lạc thời Trung cổ Caroline Bynum có lần nhận xét rằng “thay đổi là cái buộc chúng ta phải tự hỏi mình là ai”. Đâu là những thứ phù du sớm nở tối tàn, đâu là những gì bản chất cốt lõi? Cái gì chỉ là tập quán, thói quen? Trách nhiệm của chúng ta đối với Harvard, đối với nhau, đối với giáo dục đại học, nghĩa là chúng ta phải đặt ra những câu hỏi ấy và phải biết nắm lấy thời khắc đổi thay và những cơ hội trước mặt. Đổi thay có thể xảy ra với chúng ta, hoặc thông qua chúng ta. Chúng ta cần phải chắc chắn rằng mình là người thiết kế chứ không phải là nạn nhân của sự đổi thay. Chúng ta phải tự hỏi chính mình, rằng ta muốn trở thành cái gì trong cuộc suy thoái và khủng hoảng này, khi thế giới đang tiếp cận với cái có thể tạm gọi là một tiêu chuẩn mới. Chúng ta sẽ hình dung bản thân mình và những mục đích của mình như thế nào?



Những câu hỏi này đòi hỏi phải lên kế hoạch và tư vấn nhiều thành viên trong trường, và đó là quá trình còn đang thực hiện. Đây là những câu hỏi đòi hỏi phải có những quyết định và cân bằng các yếu tố khác nhau để đạt được sự kết hợp tốt nhất từ mọi bộ phận của nhà trường. Mỗi sự lựa chọn cụ thể sẽ có những tác động và ý nghĩa của riêng nó. Nhưng tôi muốn hướng sự chú ý của chúng ta hôm nay tới ý nghĩa của việc tích lũy để đi đến những quyết định ấy- một tổng thể vượt rất xa kết quả logic của từng bộ phận. Những sự lựa chọn này, như một tổng thể, sẽ tạo thành tuyên ngôn của chúng ta về niềm tin của Harvard rằng một trường đại học nghiên cứu của thế kỷ 21 nên là và cần phải là như thế nào.



Tôi muốn tập trung vài phút để nói về ba đặc điểm cốt lõi của trường đại học. Chỉ ba mà thôi. Sự phản ánh vắn tắt này không thể nói hết được những gì chúng ta phải làm và phải là trong tương lai. Nhưng tôi đã chọn ba đặc điểm ấy vì nó tiêu biểu cho những nhận thức đặc biệt quan trọng và đã tồn tại từ rất lâu về bản sắc của chúng ta – về những trách nhiệm và những cơ hội sẽ phải tiếp tục hướng dẫn chúng ta. Nhưng tôi cũng muốn lưu ý về những thử thách rất thực mà chúng ta phải đương đầu- với tư cách một trường đại học, cũng như một quốc gia- trong việc duy trì những cam kết này với một thế giới mà năm qua đã định nghĩa lại một cách khác đi nhiều so với trước đó.



Trước hết: Các trường đại học Hoa Kỳ đã từ lâu được xem là cỗ máy tạo ra cơ hội và sự ưu tú. Giáo dục là tâm điểm của giấc mơ Mỹ từ thời lập quốc. Tuy vậy tất cả chúng ta đều biết rằng học phí đại học tăng cao đã gây khó khăn cho nhiều gia đình trung bình ở Mỹ. Giữ cho giáo dục đại học ở mức người dân có thể chi trả được là điều cốt yếu đối với quốc gia và cốt yếu đối với Harvard. Nói đến cơ hội là nói đến sự công bằng, và đồng thời là sự ưu tú. Chúng ta cần phải là một thỏi nam châm để thu hút tài năng. Chúng ta đã hành động một cách kiên định với niềm tin chắc chắn này. Trong năm năm qua, chúng ta đã tạo ra một chương trình hỗ trợ tài chính có tác dụng biến đổi quan trọng, nghĩa là bảo đảm rằng mọi sinh viên có năng lực và tham vọng đều có thể theo học ở Harvard bất kể hoàn cảnh tài chính của họ. Và trong thập kỷ qua, chúng ta đã nâng cao gấp ba lần khoản hỗ trợ tài chính cho sinh viên và cho các trường chuyên ngành của chúng ta. Sự hỗ trợ đối với những sinh viên tài năng là một phần cốt lõi trong bản sắc của chúng ta, vì chúng ta tin rằng những ý tưởng hay nhất không xuất phát từ một giai cấp xã hội hay một dân tộc, giới tính, quê hương cụ thể nào. Đem lại cơ hội rộng rãi trong tiếp cận đại học là phương hướng cơ bản trong trách nhiệm và tính chính đáng trong hoạt động của chúng ta- chính trong mắt chúng ta, với những giá trị dựa trên chế độ tôn trọng nhân tài một cách mạnh mẽ; cũng như trong mắt xã hội rộng lớn đã dành cho chúng ta những ưu tiên như miễn thuế hay tài trợ nghiên cứu. Thậm chí khi nhu cầu nảy sinh trong sinh viên và nguồn quỹ hiến tặng giảm sút khiến những cam kết trên đây thành ra ngày càng quá tốn kém, chúng ta vẫn phải tái khẳng định những nguyên tắc về cơ hội tiếp cận như một nhân tố xác định chúng ta là ai. Vì chúng ta cam kết sẽ đem những người thông minh nhất vào trường Đại học Harvard, chúng ta sẽ phải tiếp tục đầu tư những giảng viên lỗi lạc nhất để hướng dẫn những con người thông minh ấy theo đuổi việc khám phá và nghiên cứu khoa học, những thứ đã định nghĩa nên Harvard như một trường đại học nghiên cứu ưu việt. Thậm chí ngay cả khi phải đối mặt với tình trạng căng thẳng về nguồn lực, chúng ta cũng phải duy trì và xây dựng đội ngũ giảng viên này cho tương lai. Những sinh viên tài năng đòi hỏi phải có những giảng viên tài năng và ngược lại. Chúng ta hãy bảo đảm rằng mình sẽ tiếp tục thu hút và phát triển thành công cả hai đối tượng ấy.



Nhân tố thứ hai của bản chất trường đại học mà tôi muốn trình bày ở đây là vai trò của trường đại học như một địa điểm cơ bản của nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng ở Hoa Kỳ. Trong những năm sau thế chiến thứ hai, chính sách liên bang đã xây dựng nên một cơ cấu đòi hỏi việc nghiên cứu khoa học và khoa học xã hội được thực hiện dựa trên nhà nước và các trường đại học nghiên cứu. Nghiên cứu và phát triển thu hút không nhiều đầu tư của khu vực tư nhân và trong những năm gần đây thậm chí mức độ đầu tư khiêm tốn ấy còn tiếp tục giảm sút. Xu hướng này được biểu tượng hóa bằng hình ảnh co lại của Phòng Thí nghiệm Bell, nơi mà trong những thập kỷ trước đã từng thúc đẩy những nghiên cứu cơ bản chẳng hạn những khám phá được giải Nobel của Bộ trưởng Steven Chu, người đã nhận bằng danh dự của Harvard.



Nhưng ngay khi sự gắn bó của khu vực tư nhân đối với việc nghiên cứu bị giảm sút, sự hỗ trợ của chính phủ đối với nghiên cứu cũng giảm sút theo. Trong vòng ba thập kỷ vừa qua, ngân sách liên bang dành cho nghiên cứu và phát triển đã giảm sút hơn 15% theo tỷ lệ GDP của Hoa Kỳ. Gói kích cầu của liên bang đã đem lại sự cứu giúp tạm thời làm trì hoãn xu hướng này- với 21 tỉ đô la cho hai năm sắp tới, chính phủ đã đặt mục tiêu dành hơn 3% GDP cho nghiên cứu và phát triển ngay cả khi kế hoạch kích cầu kết thúc. Nhưng thâm hụt tài chính liên bang quá cao sẽ kết hợp với việc thu hẹp nguồn lực của nhà trường để tạo ra những thách thức gay gắt trong việc đáp ứng những dự định rất tham vọng ấy. Thậm chí ngay cả trước khi kinh tế suy sụp, mô hình hỗ trợ khoa học cũng đã cần phải xem xét lại toàn bộ. Một báo cáo của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia năm 2007 đã cảnh báo, đất nước chúng ta đã và đang đối mặt với một cơn bão dồn dập, quá ít sinh viên chọn theo học các ngành khoa học, quá ít người tìm được những hỗ trợ cần thiết để khởi động và duy trì sự nghiệp nghiên cứu của họ; quá nhiều người chọn những nghiên cứu an toàn và có thể dự đoán trước kết quả nhằm bảo đảm có được nguồn tài trợ; quá ít người có khả năng theo đuổi sự tò mò khoa học để đạt đến những ý tưởng cách mạng thực sự. Cuộc khủng hoảng tài chính chỉ làm lộ rõ những vấn đề vốn đã tồn tại về tương lai của nghiên cứu khoa học ở Hoa Kỳ, và về việc hỗ trợ cho khoa học tại các trường đại học nghiên cứu của chúng ta.



Quỹ kích cầu ngắn hạn không được làm chệch hướng chúng ta trong việc tìm kiếm những giải pháp lâu dài. Mức tài trợ của liên bang là một phần trọng yếu của câu trả lời, nhưng đó cũng chỉ là một phần. Chẳng hạn khi nghĩ về việc làm cách nào hỗ trợ cho khoa học trong bối cảnh kinh tế đã thay đổi, chúng ta sẽ thấy mình phải nghĩ tới những quan hệ hợp tác kiểu mới với các quỹ nghiên cứu và các doanh nghiệp, cũng như với các trường khác. Chúng ta đã thấy những quan hệ hợp tác giữa các khoa và trường trong phạm vi Harvard, với các bệnh viện trực thuộc, với Viện Broad, với MIT, và những trường đại học khác như những công việc cốt yếu mà chúng ta đang thực hiện trong việc nghiên cứu tế bào gốc, khoa học nguyên tử, công nghệ gen, và kỹ nghệ sinh học. Và khi chúng ta cân nhắc xem làm thế nào thực hiện được giấc mơ Allston, những quan hệ hợp tác với bên ngoài Harvard tỏ ra rất hứa hẹn. Nếu chúng ta, với tư cách Harvard và với tư cách một trường đại học nói chung, muốn duy trì được sự xuất chúng trong nghiên cứu khoa học thì cần phải tìm ra những cách mới vừa để thực hiện vừa để hỗ trợ cho nghiên cứu.



Ba là: các trường đại học phục vụ như những nhà phê bình và là lương tâm của xã hội. Chúng ta tạo ra không chỉ tri thức mà còn tạo ra những câu hỏi, tạo ra những hiểu biết bắt nguồn từ chủ nghĩa hoài nghi, từ sự không ngừng đặt câu hỏi chứ không phải từ sự thống trị của những tri thức thông thái được chấp nhận không cần thử thách. Hơn bất cứ một tổ chức nào khác trong xã hội, cốt lõi của các trường đại học là tầm nhìn dài hạn và những quan điểm phản biện, và những điều này có được chính là vì đại học không phải là sở hữu của riêng hiện tại.



Gần bốn thế kỷ qua, Harvard đã nhìn xa hơn những sự hữu dụng và thích đáng tức thời, thoải mái đặt những giả định hiện tại vào sự thử thách gắt gao của những nơi chốn khác và thời đại khác. Các trường đại học thường xuyên được đánh giá bằng tiêu chuẩn có ích – bằng những đóng góp của họ cho sự cạnh tranh và tăng trưởng kinh tế của quốc gia. Chúng ta có thể đưa ra nhiều ví dụ minh họa mạnh mẽ cho luận điểm này. Harvard là nhà tuyển dụng tư nhân lớn thứ nhì trong vùng trung tâm Boston và trực tiếp hay gián tiếp có các hoạt động kinh tế với giá trị trên 5,3 tỉ đô la Mỹ cho Massachusette trong năm qua. Nhưng những đóng góp như thế chỉ là một phần của những gì các trường đại học đã làm và đã tạo nên ý nghĩa trường đại học. Chúng ta cần các trường đại học không chỉ cho những mục tiêu có tính công cụ và tức thời như thế.



Tôi lo rằng các trường đại học chúng ta chưa làm tốt những gì có thể và đáng lẽ phải làm trong việc đặt ra những câu hỏi sâu xa và đáng lo ngại về tính chính trực của bất cứ xã hội nào. Khi thế giới tự cho phép mình hưởng thụ trong cái bong bóng phồn vinh giả tạo và chủ nghĩa tôn sùng vật chất, nên chăng chúng ta cần phải làm nhiều hơn nữa –qua nghiên cứu, giảng dạy và viết lách- phơi bày những dấu hiệu rủi ro và tâm lý muốn chối bỏ sự thật phũ phàng đang hiện diện trong những lựa chọn kinh tế và tài chính hàng ngày? —Nên chăng hệ thống giá trị của chúng ta cần phải đưa ra một đối trọng và thách thức vững chắc hơn đối với thói vô trách nhiệm và sự quá đáng, đối với lối suy nghĩ chạy theo lợi ích trước mắt và để lại hậu quả lâu dài?



Đặc quyền về tự do học thuật gắn liền với nghĩa vụ nói lên sự thật ngay cả khi điều đó hết sức khó khăn hay không được nhiều người ưa chuộng. Vậy là rốt cục nó quay lại biểu tượng Sự Thật trên tấm khiên của Harvard- sự cam kết dùng kết quả nghiên cứu và tri thức để xóa tan ảo tưởng, sự thiên lệch, thành kiến và tính tư lợi. Sự thật này có thể đến dưới hình thức những hiểu biết sâu sắc của khoa học không bị chi phối bởi ý thức hệ và chính trị. Nó cũng có thể đến trong công trình của các nhà nghiên cứu khoa học nhân văn, những người đã giúp chúng ta biết cách đọc và suy nghĩ một cách độc lập, cũng như đã đem lại cho chúng ta những quan điểm khác biệt của những tiếng nói khác, từ những nơi chốn khác, thời đại khác. Nó có thể đến thông qua sức mạnh tái hiện độc nhất của nghệ thuật- những thứ đã giúp chúng ta có khả năng hiểu được chính mình và hiểu được thế giới chung quanh nhờ biết thay đổi con mắt và lỗ tai. Nó có thể đến qua những câu hỏi về đạo đức và trách nhiệm được đặt ra trong chương trình giáo dục tổng quát cho tất cả các khoa chuyên ngành trong trường chúng ta. Thực tế là trong mấy tuần qua một nhóm sinh viên Trường Kinh doanh đã sáng tạo ra “lời tuyên thệ của doanh nhân” nhằm bảo đảm mọi sinh viên ra trường sẽ “phục vụ tốt hơn nữa cho điều thiện”. Được hỏi làm cách nào các trường quản trị kinh doanh và sinh viên của họ có thể ngăn chặn hay đẩy lùi cuộc khủng hoảng tài chính, câu trả lời của những sinh viên ấy là họ sẽ tìm cách khuyến khích lương tâm và sự tỉnh táo trong việc đào tạo nghề kinh doanh cũng như trong việc kinh doanh như một hoạt động nghề nghiệp.



Việc nâng cao vai trò của chúng ta như những nhà phản biện và hoài nghi chỉ có được nhờ giáo dục sinh viên, nơi chúng ta tìm cách, theo lời của Chương trình Giáo dục Tổng quát mới, là “làm đảo lộn các giả định hay thành kiến, biến những thứ quen thuộc thành cái gì lạ lùng như lần đầu được thấy..nhằm làm mất phương hướng những người trẻ tuổi và giúp họ tìm cách tự mình định hướng lại cho chính mình”.



Khi thích nghi với một thế giới đang thay đổi nhanh chóng, chúng ta phải một lần nữa xây dựng lại truyền thống giáo dục tự do và những yêu cầu nhân văn của Harvard. Những truyền thống ấy có thể tạo ra khả năng tự nghiên cứu và tự nhận thức giúp chúng ta vượt qua sự hoài nghi để đến được sự thông thái khôn ngoan.



Trường đại học là cỗ máy sản sinh ra những cơ hội, là mảnh đất chủ yếu của hoạt động nghiên cứu khoa học ở Hoa Kỳ; cũng là người nói lên sự thật; đó là ba nhân tố cơ bản trong nhận thức của chúng ta về trường đại học. Tuy từng nhân tố ấy đang phải đối mặt với những thử thách trong kỷ nguyên mới phía trước chúng ta, những thách thức về cơ chế, về khả năng chi trả, về hệ thống giá trị. Và chúng ta bị thách thức trong việc chứng minh những cam kết của mình đối với ba nguyên tắc ấy, những nguyên tắc bao đời nay đã là trọng tâm của những điều chủ yếu đã định nghĩa nên chúng ta như một trường đại học. Chúng ta không được xem những nguyên tắc ấy là đương nhiên, chúng ta không được đánh mất khả năng nhìn vào những nguyên tắc ấy khi chúng ta buộc phải lựa chọn giữ lại cái gì và bỏ qua cái gì trong những tháng năm sắp đến. Nhưng chúng ta phải tạo ra những phương cách mới để duy trì những nguyên tắc ấy trong một thời đại đã có nhiều đổi thay. Chúng ta có trách nhiệm với những truyền thống ấy và những giá trị mà truyền thống ấy đại diện – đó chính là niềm tin rằng sự cởi mở và tự do theo đuổi chân lý sẽ tạo nên một thế giới tốt đẹp hơn cho tất cả chúng ta. Đó chính là điều thôi thúc tất cả những gì chúng ta làm và cho thấy chúng ta có ý nghĩa gì – trong thời khắc này cũng như trong nhiều năm sắp đến.

Lược dịch
(Nguồn: http://www.president.harvard.edu/speeches/faust/090604_commencement.php)